Đá Thiêng Hà Nhì được người dân nơi đây rất coi trọng và thờ cúng, không chỉ vì sự đặc biệt của nó mà còn từ những câu chuyện truyền thuyết về hòn đá này. Đá Thiêng Hà Nhì không chỉ là nơi thắp hương cầu nguyện mà còn là địa điểm du lịch khám phá nổi bật của Lai Châu.
Đá Thiêng Hà Nhì nằm ở đâu?
Đá Thiêng Hà Nhì là một khối thạch anh tự nhiên, điều đặc biệt là nó lại bơ vơ cắm trên đỉnh một ngọn núi đất có độ cao hơn 1300m ở bản Pá Thắng, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Từ đồn Biên phòng Thu Lũm, bạn phải đi thêm quãng đường khoảng chừng 20km, với những khúc cua tay áo và dốc đứng mới đến được ngọn núi có hòn đá Thiêng. Ngay phía dưới hòn đá là một lối đi nhỏ khoảng 100m, bạn phải đi lên từ lối đi này mới được tận mắt chiêm ngưỡng hòn đá. Hòn đá ấy, đứng một mình, hình trụ cao khoảng 1,2 đến 1,3m với đường kính chừng 80cm. Hình thù hòn đá như một người đang ngồi, tay chống cằm nhìn về hướng đất Việt. Đá Thiêng Hà Nhì cũng được xem là điểm ranh giới giữa hai nước Việt – Trung.
Những câu chuyện về đá Thiêng Hà Nhì
Cũng vì sự kỳ lạ của hòn đá mà nơi đây đã xuất hiện nhiều câu chuyện li kì về hòn đá này. Bạn có thể hỏi những người dân xung quanh, ai cũng sẽ vui vẻ kể cho bạn về những câu chuyện này.
Có câu chuyện, ngày xưa, người dân nơi đây có tập tục du canh du cư. Khoảng ba năm khi nương rẫy đã khô cằn và ngả màu, người dân trong bản phải cầm một cái dùi nhọn, mang theo gói hạt ớt đi tìm vùng đất canh tác mới để dời nhà, làm nương. Tập tục này truyền từ đời cha đến đời con và đã trở thành câu nói cửa miệng “Không có ngọn núi nào cao hơn đầu gối của mình đâu. Cứ đi, núi của ông bà ắt cho mình đất sống”.
Có một đôi vợ chồng trẻ cầm dùi nhọn đi tìm đất. Đôi vợ chồng dìu nhau lội qua suối sâu rồi trèo lên đỉnh đồi lộng gió. Lúc này trời rét, người vợ chợt nhớ mình để quên khăn đội đầu nên quay lại lội qua suối về nhà lấy khăn. Nhưng không may đúng lúc đó trời lại đổ mưa lớn, sấm chớp kéo đến đùng đùng kèm theo lũ lụt kéo dài đến mấy ngày. Nỗi nhớ chồng và lo lắng, người vợ ôm cây chuối vượt dòng nước xiết bơi sang, nhưng chị đã bị dòng lũ cuốn trôi. Còn người chồng, đi tìm người vợ nhiều ngày nhưng không thấy, đến dòng suối nước chảy cuồn cuộn thì ngồi chờ đợi, rồi hóa thành hòn đá trắng.
Còn có một câu chuyện khác về hòn đá này, đó là ngày xưa, đất đai nơi đây còn rất hoang vắng, con người chưa đặt chân đến. Một ngày nọ, có ông tộc trưởng tên là Phú Tư ở một nơi xa đến đây, bởi vì chán cảnh tranh giành đất đai, trộm cắp, chém giết nên đã dẫn bộ tộc mình đi lánh nạn và tìm vùng đất mới. Đoàn người ấy vất vả băng rừng, vượt dốc, chiến đấu với thú dữ và rồi cứ rơi rớt dần. Ngay chính cả vợ con của ông Phú Tư cũng bị tụt lại ở phía sau. Chỉ mỗi mình ông Phú Tư, ông đi đến đúng chỗ này thì bóng đêm đã vây kín.
Ông Phú Tư ngồi nghỉ lại một mình giữa đỉnh ngọn núi này, với nỗi nhớ thương vợ con và cả nỗi canh cánh bởi không thực hiện được lời hứa trước khi ra đi với người dân bộ tộc. Ông ngồi mãi cho đến sáng. Khi mặt trời lên cao, tỏa ánh nắng chói chang khiến ông hoa mắt, say sẩm mặt mày rồi kiệt hết sức lực mà không đứng dậy đi tiếp được nữa. Rồi ông hóa thành cột đá có màu trắng lạ kỳ giữa bao cây lá.
Cúng đá Thiêng phải có thuốc Lào
Người dân ở đây kể rằng, ngày xưa việc cúng đá Thiêng Hà Nhì không có hương thắp. Bởi trước đây người Hà Nhì thắp bằng thuốc Lào do chính họ trồng cho hòn đá này. Sau này thì mới có thêm bánh kẹo, do thần đá đã quen với việc được thắp bởi thuốc Lào nên tập tục này không thể bỏ được.
Ngoài ra, với những lần cúng lễ lớn thì lễ vật phải có là 1 con lợn đen, 2 con gà (sống), 3 quả trứng nhuộm đỏ, 3 bát gạo, 3 bát nước chè, 3 bát rượu. Còn bàn thờ thì được làm từ 4 cành cây thẳng, chắc chắn, còn nguyên lá, chôn xuống đất, lấy tre giang đan phên chia làm 3 tầng. Sau này người dân đã cho cất lên một bàn thờ và 2 cột đèn bằng đá tiện cho việc cúng bái.
Đến với đá Thiêng Hà Nhì, bạn chỉ nên cầu một điều duy nhất bởi người Hà Nhì cho rằng thần đá không muốn con người trở nên tham lam. Vì vậy, hãy lắng nghe những câu chuyện về đá Thiêng này, cũng như những tập tục của người dân về Hòn đá trắng linh thiêng này nhé!
Có thể bạn quan tâm:
- Lên lịch săn hoa cho từng tháng trong năm 2018
- Hành trình chinh phục Bạch Mộc Lương tử “người con gái” của núi rừng Tây Bắc
diemtv (Tổng hợp)
Nguồn: khamphadisan.com.vn