“Kiêu hãnh và tự hào đó là những cảm xúc của mỗi người Việt Nam khi đứng dưới cột cờ Lũng Cú.Nơi đây vẫn âm vang ngàn thu vọng về hồn thiêng của dân tộc, lòng tự hào Tổ quốc, anh dũng đấu tranh bảo vệ đất nước.”
Cách thành phố Hà Giang 200km với chặng đường dài khúc khuỷu,bạn sẽ thấy cao nguyên đá Đồng Văn nơi ghi dấu cột cờ Lũng Cú cao hơn 1.700m so với mực nước biển,là nơi địa đầu của Tổ Quốc,đến đây bạn sẽ cảm nhận được không khí trong lành,mát mẽ và lòng tự hào dân tộc tăng lên bội phần.
Từ xa Lũng Cú hiện ra sinh độngvới ¾ là đá nổi lên là cột cờ Tổ Quốc gần giống với cột cờ Hà Nội, trông xa giống như một ngọn tháp,xung quanh là vách đá hùng vỹ, cheo leo, trùng điệp.Khi tới gần bạn sẽ thấy rõ nét hơn cột cờ dựng đứng trên đỉnh núi Rồng ( Long Sơn) Dưới chân cột có khắc phù điêu mang rõ nét hoa văn của trống đồng Ðông Sơn, lá cờ Tổ quốc tung bay phất phơ trong gió và in bóng xuống mặt hồ Lô Lô xanh biếc. Quan sát kỹ hơn một chút, du khách sẽ thấy giữa lưng chừng núi Rồng có một cái hang khá rộng và đẹp, đồng bào ở đây gọi là hang Sì Mần Khan.
Xã Lũng Cú có tổng diện tích 3.460ha với chín thôn: Lô Lô Chải, Séo Lủng, Tả Giá Khâu, Cẳn Tằng, Thèn Ván, Thèn Pả, Sì Mần Khan, Sán Chồ, Sán Sà Phìn, và có đường biên giới tiếp giáp với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa,ở đây khi vào mùa mưa không khí trở nên rất lạnh thi thoảng nhiệt độ ngoài trời giảm xuống sẽ có tuyết rơi.
Lũng Cú còn được bảo lưu như hiện vật lịch sử văn hóa quý giá của thời Hùng Vương Theo sử sách ghi lại, vào thời Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt ở nơi biên ải này một chiếc trống lớn, thời đó tiếng trống là phương tiện thông tin nhanh nhất, vị trí đặt trống của nhà vua là trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ. Chính vì vậy, người Lô Lô ở Lũng Cú bây giờ sử dụng thành thạo trống đồng có nguồn gốc từ trống đồng Ðông Sơn.
Là vùng đất của chè Shan, rượu mật ong, rượu ngô, đào phai, hoa lê, tuyết trắng và món thắng cố trong buổi chợ phiên… cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc như: Mông, Lô Lô, Giáy… Lũng Cú thật sự mang trong mình nét đẹp mê hồn hấp dẫn biết bao du khách.
Quả thật, nếu du khách có dịp đến đây vào mùa xuân, du khách vừa được tận hưởng bầu không khí trong lành, vừa được nghe tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn, tiếng khèn của người Mông say mê, quyến rũ và tiếng trống đồng âm vang bên bếp lửa bập bùng…
Có thể bạn quan tâm:
- Kinh nghiệm du lịch Hà Giang
- Du lịch Hà Giang mùa hoa tam giác mạch
- Những điểm đến không thể bỏ qua tại Hà Giang
Việt Trinh
Nguồn: khamphadisan.com.vn