Đình Yên Thành thuộc làng Yên Thành – xã Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình) nằm tại trung tâm di tích cốđô Hoa Lư, cách đền vua Đinh – vua Lê khoảng 500m. Đây là ngôi đền cổ có tuổi đời hàng trăm năm nay. Nơi đây thờ 2 vua Đinh – Lê làm thành hoàng. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, ngôi đình vẫn giữ được nét kiến trúc cổ xưa.
Đình gồm có Tiền đường và Hậu cung, cả hai đều được xây dựng kiểu nhà 5 gian. Tiền đường là nơi tổ chức các cuộc họp của người dân trong làng. Hậu cung là nơi uy nghiêm thờ bài vị 2 vua Đinh – Lê. Theo lịch sử để lại, xưa kia ngôi đình là nơi thường được vua chọn làm nơi thiết triều, bàn bạc việc chính sự. Hậu cung là nơi vua ngự lãm, tiền đường là nơi hai bên quan văn võ chầu.
Đình chọn vua Đinh – vua Lê làm thành hoàng bởi vì đây là hai vị vua khai quốc công thần, xây dựng vùng đất Hoa Lư thành trung tâm nước Đại Cồ Việt xưa. Từ ngoài vào hậu cung, bên phải thờ vua Đinh Tiên Hoàng vì thếngay ở đầu hè được ghi hai chữ Hán lớn là “Thái Bình” – đây là niên hiệu nước ta thời vua Đinh.
Bên trái đầu hè hậu cung có hai chữ Hán “Thiên Phúc” – đây là niên hiệu nước ta dưới thời vua Lê Đại Hành. Ngoài hai niên hiệu này, các cột hai bên cũng có những câu đối ca ngợi công đức của hai vị vua tiền khởi này.
Bên trong hậu cung, bàn thờ hai vua Đinh – Lê luôn được người dân trong làng hương khói rất chu đáo và thành kính. Vào những ngày lễ, đình làng Yên Thành được xem như là nơi linh thiêng để tưởng nhớ hai vị vua khai quốc công thần. Ngôi đình độc đáo ở chỗ, hiếm có đình làng nào lại chọn cả hai vị vua làm thành hoàng.
Ngay giữa chính mái nhà Tiền đường, bên trên vẫn còn hàng chữ Hán cổ thể hiện niên đại, cũng như giá trị vềlịch sử, văn hóa của ngôi đình độc đáo nhất đất cốđô Hoa Lư này.
Với kiến trúc đình làng cổ xưa, đình làng Yên Thành có 5 gian, 5 hàng cột ngang và 6 hàng cột dọc, hai hàng cột ngoài cùng làm bằng đá được đục đẽo thủ công rất công phu. Trải qua hàng trăm năm, thời tiết, chiến tranh phá hoại nhưng ngôi đền vẫn đứng vững, giữ nguyên được giá trị.
Cột, đòn tay, rui mè, khóa gian của đình đều được làm bằng gỗ lim và được trạm khắc các họa tiết hoa văn. Trên mái đình lợp ngói âm dương, mỗi viên ngói đều được đúc có in hình chữ “Thọ”.
Gian giữa của tiền đường được đặt một kiệu lễ, kiệu được dùng vào những dịp lễ quan trọng. Những ngày lễ, người dân trong làng tập trung vềđình làng, và chung tay việc làng xã, thờ cúng hai vị vua thành hoàng, cầu xin hai vua ban mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi…
Trên nhiều cột đá ở đình vẫn còn nhiều dấu tích là các dòng chữ Hán cổ, đây đều là những câu đối có giá trị văn hóa to lớn.
Đình nằm ngay giữa làng, cách đền vua Đinh – vua Lê khoảng 500m nên thường có rất nhiều khách du lịch đến tham quan. Khách đến đây đông nhất vào dịp lễ hội Trường Yên hàng năm. Ngày thường, người dân trong làng cũng thường xuyên đến đình ngồi chơi, nơi đây là một điểm hẹn, giao lưu văn hóa đặc biệt của người dân trong làng.
Ngay trước sân đình có chiếc giếng ngọc, quanh năm không hết nước. Giếng nước này từng là giếng làng được người dân cả làng đến lấy nước vềsinh hoạt. Giờ nhiều hộ dân có giếng khoan riêng nên chỉ còn một sốhộ gần đây đến lấy nước giếng vềsử dụng vì nước ở giếng này rất trong, mát và ngọt.
Đình làng Yên Thành nhìn từ hướng Tây, nét rêu phong phủ kín ngôi đình trông rất cổ kính. Người dân làng Yên Thành bao thếhệ xưa và này đều rất tự hào về ngôi đình “có một không hai” này.
Có thể bạn quan tâm:
- Vẽ đẹp huyền bí của Động chùa Am Tiên
- Vẽ đẹp của ngôi chùa được check in nhiều nhất tại Ninh Bình
binhqb94 – khamphadiasan.com
Theo: Báo Dân Trí
Nguồn: khamphadisan.com.vn